Truyện ngắn Phật giáo cho thiếu nhi THÀNH PHỐ AN LẠC

Truyện ngắn Phật giáo cho thiếu nhi - THÀNH PHỐ AN LẠC, https://dieunhung.com/

         Ở phương Tây của dải ngân hà có một Địa Cầu xanh tươi. Trên Địa Cầu này có một thành phố gọi tên là An Lạc. Sở dĩ được gọi là An Lạc bởi vì mọi cư dân trong thành phố này đều thiền hành và thực tập chánh niệm từ sáng đến tối, vì thế niềm vui và sự hoan hỷ lúc nào cũng biểu hiện trên từng gương mặt, từng lời nói, từng suy nghĩ và từng hành động. Thành phố buổi sáng, mặt trời vẫn còn chưa mọc, các ngôi sao hôm thi nhau ẩn mình nhường chỗ cho từng hạt nắng rơi trên mặt đất, từng đoàn người đi trong im lặng, không một tiếng động, ngoại trừ bước chân nhẹ nhàng
trên đám lá khô hay tiếng chim ríu rít chào đón bình minh tới.

More...

         Sự nhiệm mầu nằm ở đôi bàn chân, bàn chân chế tác sự an lạc và đóng góp vào phẩm chất an lạc của thành phố. Ban ngày cư dân làm việc trong chánh niệm, tức là biết rõ việc mình đang làm, tập trung chủ yếu vào các hành động, tâm ý và lời nói. Không có sự cãi vã, không có tranh giành, không có hơn thua. Mọi người đều biết nhường nhịn nhau, chia sẻ nhau và chấp nhận nhau. Buổi tối, cư dân ngồi thiền trong vườn, trong nhà hay tại các quảng trường. Từ trẻ nhỏ đến thanh niên, từ trung niên đến người già ngồi thiền chung với nhau. Có khi họ ngồi thiền trà, lúc thì thiền đọc sách và trước khi ngủ, họ thích thiền buông thư. Thiền trở thành phương tiện và an lạc trở thành thức ăn hàng ngày. Môi trường vô cùng xanh tươi, muôn thú hát ca vang lừng. Người, thiên nhiên và muôn thú đều là bạn bè của nhau.

Thiền trở thành phương tiện và an lạc trở thành thức ăn hàng ngày, https://dieunhung.com/

Thiền trở thành phương tiện và an lạc trở thành thức ăn hàng ngày

           

          Một ngày kia, đoàn phi thuyền chở những người du lịch từ thành phố có tên là thành phố Tất Bật đến tham quan. Nghe nói thành phố An Lạc lúc nào cũng thanh bình và thảnh thơi, nên họ muốn tìm hiểu. Ngay từ giây phút đầu tiên bước xuống phi trường, họ đều rất ngạc nhiên vì sao trên cõi đời này lại có một nơi đẹp đẽ và bình yên đến như vậy. Họ hỏi, “Tại sao các bạn thực tập thiền suốt ngày vậy?” Họ được trả lời, “Đơn giản thôi, vì thiền giúp chúng tôi có được an lạc trong thân và trong tâm, nên chúng tôi duy trì được sức khỏe và không có bệnh tật.” Họ hỏi, “Tại sao các bạn không cãi vã và tranh giành nhau?” Họ được trả lời, “Chúng tôi đều là người thân và bạn bè của nhau, nên chúng tôi thương nhau, và chính tình thương nuôi dưỡng chúng tôi lớn lên.” Họ lại tiếp tục hỏi, “Các vị không có nhu cầu về giải trí và tiêu thụ hay sao?” Họ được trả lời, “Có chứ, nhu cầu giải trí của chúng tôi là làm thế nào để tăng trưởng tình thương của bản thân, nên chúng tôi chế tác nhiều phương pháp thực tập để làm phát triển tình thương, khi chúng tôi có tình thương, chúng tôi tiêu thụ hết, nhưng càng tiêu thụ bao nhiêu, chúng tôi càng thừa thãi tình thương bấy nhiêu.”

         Người đến từ thành phố Tất Bật cũng được người của thành phố An Lạc đặt câu hỏi. Người bên An Lạc hỏi, “Ở chỗ các vị có thực tập thiền suốt ngày như chỗ chúng tôi không?” Họ trả lời, “Chỗ chúng tôi không có thực tập thiền suốt ngày và không có cái gì gọi là chánh niệm, chúng tôi thường hay thất niệm và tầm cầu nhiều thứ.” Người bên An Lạc hỏi, “Các vị có biết chấp nhận nhau, yêu thương nhau như người một nhà không?” Họ trả lời, “Chúng tôi thường xuyên cạnh tranh để triệt tiêu đối thủ, tranh chấp nhau từng lời ăn tiếng nói, nên chúng tôi chưa bao giờ thấy đủ và ngày càng rất cô đơn.” Người bên An Lạc hỏi, “Sao các vị không thực tập tình thương, các vị có biết rằng, chính tình thương mới đem con người đến gần nhau và trở nên lớn lên không?” Họ trả lời, “Chúng tôi không có thì giờ thực tập tình thương, ở thành phố chúng tôi, tình thương là một thứ xa xí phẩm, chúng tôi không thể ăn được, cơm áo gạo tiền lôi kéo chúng tôi đi từ mục tiêu này đến mục tiêu khác, không thể dừng lại được.” Người bên An Lạc không nói gì, anh xá chào họ và cất bước đi trong chánh niệm.

Truyện ngắn Phật giáo cho thiếu nhi, https://dieunhung.com/

Chúng tôi thường hay thất niệm và tầm cầu nhiều thứ

         Hết ngày rồi lại đêm. Đêm qua trời lại sáng. Cư dân thành phố An Lạc ban đầu nhắc nhở nhau rồi tự nhắc nhở bản thân không được sao nhãng trong việc thực tập chánh niệm. Một thành phố không hề có tiếng ồn, không có khói của nhà máy hay tiếng bấm còi inh ỏi của xe cộ, thay vào đó là tiếng niệm Phật, tiếng tụng kinh và tiếng thuyết pháp của các nhà sư. Ở đây nhà sư rất được kính trọng và chính quyền thành phố luôn tạo điều kiện cho họ hoằng pháp. Trẻ em được các nhà sư hướng dẫn thiền đi, hiếu thảo với ba mẹ, chăm sóc hoa cỏ và tập ca hát nghêu ngao những bài thiền ca. Thanh niên được các nhà sư hướng dẫn thiền ngồi, hiếu thảo với ông bà tổ tiên, làm việc đồng áng như trồng rau, gặt lúa, chăm sóc vườn cây hoa quả một cách thảnh thơi và tập tụng các bài kinh nhắc nhở chăm sóc và nuôi dưỡng thân tâm. Người già được các nhà sư hướng dẫn thiền nằm, dạy dỗ con cháu đạo làm người và làm thế nào để sống an vui với tuổi già. Người ở thành phố Tất Bật đến đây ngày càng đông, nhưng họ không đem nổi sự tất bật vào thành phố An Lạc mà cùng nhau thực tập sự an lạc, rồi khi trở về thành phố của họ, họ chia sẻ các phương pháp thực tập cho đồng hương. Họ đã hiểu được giá trị mầu nhiệm của an lạc và thảnh thơi nên biết thực tập buông bỏ tất bật để cuộc sống trở nên giản dị và chậm hơn.

Truyện ngắn Phật giáo hay cho trẻ em, https://dieunhung.com/

Thực tập buông bỏ tất bật để cuộc sống trở nên giản dị và chậm hơn

         Thành phố An Lạc ngày càng an lạc và tuổi thọ của cư dân tăng lên. Một thành phố không hề có quân đội, cảnh sát hay tòa án. Chính quyền có mặt dùng để tổ chức các khóa tu và phát triển giáo dục theo hướng tâm linh. Không quảng cáo nhưng danh tiếng của thành phố lẫy lừng, các thành phố khác gửi người đến để học cách an lạc, rồi đem về áp dụng vào đời sống hàng ngày của mình. Chẳng lâu sau, cả Địa Cầu ở Tây phương của dải ngân hà tràn ngập an lạc. Thành phố Tất Bật ngày nào không còn tất bật nữa, mà đã sát nhập vào thành phố An Lạc. Chưa đầy mười năm sau, Địa Cầu trở thành cõi an lạc mà bất cứ chúng sinh nào cũng muốn sinh về đó, muốn tận mắt nhìn thấy và muốn là một thành viên của nó.

         Lối sống đạm bạc sẽ giảm thiểu sự mong cầu, con người có nhiều thì giờ thực tập hạnh phúc đích thực trong giây phút hiện tại. Thành phố của mình đang sống có thể là một thành phố an lạc nếu như ai cũng thực tập lối sống giản đơn, giảm tiêu thụ và có mặt cho nhau. Thành phố có bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông nhưng nhờ thực tập an lạc, ngày nào đối với cư dân ở Địa Cầu Tây phương cũng đều là ngày của mùa xuân. Họ hạnh phúc vì không có cãi cọ, không có sự giận dữ và không có cạnh tranh. Cho đến một ngày không hẹn mà tới, một vị Phật ra đời tại thành phố, hướng dẫn mọi người các phương pháp thực tập giải thoát, đem bình yên đến mọi chúng sinh trong vũ trụ.

         Khắp nơi trên Địa Cầu Tây phương tràn ngập những đóa sen, nở ra tươi thắm dưới ánh mặt trời, minh chứng cho thành tựu an lạc. Dù trời mưa hay nắng, dù ngày hay đêm, dù tuổi trẻ hay tuổi già, bất kỳ đâu hay bất kỳ ai, nếu an lạc được thực tập đúng đắn, nơi đó sẽ là cõi an lạc.

Nếu an lạc được thực tập đúng đắn, nơi đó là cõi an lạc, https://dieunhung.com/

Bất kỳ đâu hay bất kỳ ai, nếu an lạc được thực tập đúng đắn, nơi đó sẽ là cõi an lạc.

An lạc từng bước chân
Hạnh phúc nơi cõi trần
An lạc từng hơi thở
Cởi mở những thương yêu.

An lạc những sớm chiều
Dù trời mưa hay nắng
Thân tâm không xa vắng
Yên ắng từng phút giây.

An lạc vào lúc này
Dù cuộc đời đưa đẩy
Dù luân hồi lê thê
Ngủ yên những vụng về.

Tượng Phật Di Lạc gỗ hương cao 60cm, https://dieunhung.com/

Thỉnh tượng Phật Di Lạc gỗ hương cao 60cm


Leave a comment: