NGŨ CỐC

Ngũ cốc
Bột sắn dây

Bột sắn dây

1. Thưa các vị đồng tu, mưa thuận gió hòa là một trong những điều kiện giúp mùa màng tươi tốt, nhưng do đâu mà mưa thuận gió hòa, ấy là nhờ quả của nghiệp thiện mà chúng ta đã tạo trong hiện tại và quá khứ. Khí hậu thích hợp, thuận tiện cho sinh hoạt và trồng trọt, là biểu hiện của âm dương được quân bình. Lúa gạo hay ngũ cốc là hạt giống kết tinh của đất trời, do duyên sinh. Nếu thuận duyên thì mùa màng tươi tốt, gieo gặt thành công, chúng ta có thức ăn để sinh sống, còn nếu nghịch duyên thì mùa màng thất bát, gieo gặt không thành công, chúng ta không đủ thức ăn để sinh sống và tình trạng đói kém xảy ra. Muốn vậy, chúng ta nên thường xuyên bố thí, tạo phước lành, không hoang phí thức ăn, nhất là đối với lúa gạo hay ngũ cốc.

2.  Sinh mạng của chúng ta được duy trì nhờ vào các loại ngũ cốc nên thường xuyên vun trồng, bảo vệ và truyền thừa từ đời này sang đời khác. Nhân loại muốn được no ấm cần gìn giữ những yếu tố tạo nên ngũ cốc như yếu tố đất để trồng trọt, yếu tố nước để tưới cây, yếu tố gió để trao đổi chất và yếu tố lửa để thẩm thấu hay chuyển hóa chất. Các yếu tố tạo nên ngũ cốc trong lành, không bị ô nhiễm thì sản phẩm được gặt hái trong lành, không bị ô nhiễm. Nạn đói diễn ra vì các loại cây tạo ngũ cốc bị chặt bỏ, yếu tố tứ đại bị ô nhiễm hay quả của nghiệp không bố thí. Đầy đủ thức ăn vì các loại cây tạo ngũ cốc được vun trồng, yếu tố tứ đại trong lành hay quả của nghiệp bố thí.

đậu đỏ hạt nhỏ, xích tiểu đậu

Đậu đỏ hạt nhỏ , xích tiểu đậu

3. Khi ăn, chúng ta thực tập Năm phép quán. Thứ nhất, thức ăn này là tặng phẩm của đất trời, của muôn loài và công phu lao tác, con nguyện thực tập ăn uống lành mạnh, nhất là các thức ăn chay, để nuôi dưỡng lòng từ bi và bảo vệ sự sống của muôn loài. Thứ hai, con nguyện ăn trong chánh niệm với lòng biết ơn và sống tỉnh thức trong từng phút giây. Thứ ba, con nguyện ăn uống chừng mực, nhận diện và chuyển hóa những thói hư tật xấu, đóng góp vào tiến trình làm giảm sự nóng ấm toàn cầu và hiệu ứng nhà kính. Thứ tư, con nguyện chỉ ăn những thức ăn lành mạnh, mang lại hòa bình cho thân tâm. Thứ năm, con nguyện tu học tinh chuyên, hòa hợp với muôn loài, thành tựu đạo quả giải thoát trong phút giây hiện tại và cứu độ chúng sinh, để xứng đáng thọ nhận thức ăn này.

4. Bên cạnh ngũ cốc, chúng ta còn có thuốc uống từ lá cây hay rễ cây, các loại gia vị như hành, ớt, hẹ, gừng, đường, tiêu, tỏi, dấm, chanh, dầu, tương, muối, tạo ra nhiều món ăn nuôi sống chúng ta. Nếu sử dụng ngũ cốc cùng với các gia vị quân bình âm dương, chúng ta sẽ có nhiều sức khỏe, đủ sức làm việc và tu tập, bằng ngược lại, nhiều căn bệnh sẽ phát sinh do mất quân bình âm dương vì sử dụng thức ăn mang tính âm hoặc mang tính dương quá mức. Thức ăn là thuốc, thức uống là thuốc, cách sống là thuốc nên mọi thứ này lành mạnh, chúng ta có sức khỏe.

Tương Tamari 3 năm

Tương Tamari 3 năm

5. Ngũ cốc từ đất mẹ sinh ra là để hóa độ chúng ta và chúng ta ăn uống không để thỏa mãn sự ham thích về vị mà cho có sức khỏe, duy trì mạng sống và hành trì con đường giải thoát. Việc chế biến các món ăn quá cầu kỳ sẽ làm tiêu tốn nhiều thì giờ và làm giảm thời gian tu học. Hoặc chế biến ngũ cốc với quá nhiều gia vị khác nhau có thể làm giảm giá trị dinh dưỡng mà ngũ cốc mang lại. Muốn thanh lọc cơ thể và ngăn ngừa những căn bệnh không đáng có, chúng ta nên sử dụng các loại ngũ cốc tinh khiết, vẫn tốt hơn các phương pháp nhịn ăn. Ăn uống quân bình âm dương là một bài thực tập thiền hay một pháp tu, theo đó chúng ta biết điều độ trong tiêu thụ, giảm bỏ dần dần những ham muốn có thể tàn hại sức khỏe.

6. Sáu loại ngũ cốc tốt cho sức khỏe bao gồm ngô, lúa mạch, các loại khoai, yến mạch và kê. Nhiều người bị cao huyết áp, cao mỡ máu, cao đường máu nhưng lúa mạch và yến mạch có thể giúp giảm huyết áp, giảm mỡ máu và giảm đường máu. Sử dụng ngô giúp giảm nguy cơ xơ cứng động mạch, giọng nói âm vang và khí công tràn đầy. Các loại khoai như khoai lang trắng, khoai lang đỏ và khoai tây có tác dụng hấp thụ nước, hấp thụ mỡ và hấp thụ độc tố. Kê có thể trừ thấp, khỏe tỳ, an thần, tinh thần phấn chấn. Đậu nành cung cấp chất đạm đầy đủ, ngăn ngừa ung thư và giảm nguy cơ sỏi thận. 

Cháo dưỡng sinh yến mạch

Cháo dưỡng sinh yến mạch

7. Ngũ cốc là thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe khi được sử dụng đúng cách. Cháo đậu đen có tác dụng bổ thận, mạnh khỏe, giải độc, trơn da. Cơm gạo lứt kết hợp với muối mè có tác dụng dương hóa cơ thể và giải trừ độc tố. Bột cao lương được uống có tác dụng dưỡng gan, ích dạ dày, ngăn chặn đau bụng đi ngoài. Chè đậu đỏ có tác dụng tăng cường miễn dịch, điều hòa nhiệt độ cơ thể, giảm cholesterol trong máu và tốt cho sự phát triển của não. Chè hạt sen có tác dụng chữa mất ngủ, tiêu chảy kéo dài, thiếu máu, kém ăn, điều hòa kinh nguyệt, và tăng cường cơ chế bài tiết.

8. Ngũ cốc nguyên cám hay ngũ cốc nguyên hạt là các loại ngũ cốc trong đó có chứa mầm ngũ cốc, nội nhũ và cám, trái ngược với các loại ngũ cốc tinh chế. Ngũ cốc nguyên cám thường có thể được mọc mầm lên trong khi các loại ngũ cốc tinh chế nói chung sẽ không nảy mầm vì đã qua xử lý. Ngũ cốc nguyên cám giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường và chất xơ từ ngũ cốc nguyên cám giúp ngừa hội chứng chuyển hóa. Ăn trên ba bữa ngũ cốc nguyên cám mỗi ngày có thể giúp làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và những loại ngũ cốc giàu chất xơ đem lại hiệu quả cao nhất.

Gạo lứt trắng

Gạo lứt trắng

9. Gạo lứt là loại gạo chỉ xay bỏ trấu, chưa được xát bỏ lớp cám gạo. Đây là loại gạo rất giàu dinh dưỡng đặc biệt là các sinh tố và nguyên tố vi lượng. Thành phần của gạo lứt gồm chất tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ, cùng các vitamin như B1, B2, B3, B6, các axit như vitamin B5, PABA, vitamin M, các nguyên tố vi lượng như canxi, sắt, magiê, kali, natri... Gạo trắng qua quá trình xay, giã, 77% vitamin B3, 80% vitamin B1, 90% vitamin B6, một nửa lượng mangan và hầu hết các chất xơ bị mất đi. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, một lon gạo lứt khi nấu thành cơm chứa 84mg magiê, trong khi gạo trắng chỉ có 19mg. Lớp cám của gạo cũng chứa một chất dầu đặc biệt có tác dụng điều hòa huyết áp, làm giảm cholesteral xấu và giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch.

10. Gạo lứt có thể được sử dụng đế nấu cơm ăn hàng ngày, có tính thanh nhiệt, an thần, ngăn sự xuất tiết của dạ dày và đại tràng. Cháo gạo lứt phòng ngừa và trừ bệnh thổ tả, kiết lỵ, cầm mồ hôi. Gạo lứt muối mè có thể giúp chữa trị một số bệnh nan y như u bướu, ung thư, viêm đại tràng co thắt và suy dinh dưỡng. Nước trà gạo lứt rang có tác dụng thanh lọc gan, có thể được dùng như đồ uống hàng ngày kết hợp với canh dưỡng sinh làm từ ngưu bàng, nấm shitake và củ cải trắng.

NAM MÔ HÒA BÌNH TAM THẾ DI LẠC PHẬT (3 LẦN)

Leave a comment: