Truyện ngắn Phật giáo cho trẻ em; CÔ BÉ BÁN VÉ SỐ

   Mặt trời lên cao. Nắng như đổ lửa. Người ta ngửi được mùi khét lẹt của nó. Nắng trườn tới đâu, sức nóng tỏa tới đó. Mặt trời đẹp, mang lại sự sống cho Địa Cầu nhưng đôi khi tỏ ra khó chịu. Mặt trời đẹp vì ngọn cây mọc lên, hoa nở và mang hơi ấm về mùa đông. Mặt trời khó chịu vì làm nước bốc hơi nhiều quá, đất trở nên khô cằn và mong mỏi những cơn mưa. Đường phố hầm hập nắng bụi, cái nắng làm mặt đường khô khốc, một chiếc xe chạy qua cũng làm bụi đường tung bay mù mịt. Hàng quán đầy bụi đường, cây cối cũng đầy bụi đường. Người ta che chắn mặt mũi để tránh những căn bệnh hô hấp. Buổi sáng, mặt trời chói chang, buổi chiều mặt trời đỏ rực, hồng hào cả một phía. Vài chú chim bay về tổ sau một ngày kiếm ăn mệt mỏi, hơn nữa còn phải gánh chịu những bức xúc của thời tiết. Chưa bao giờ người ta chú ý đến thời tiết nhiều như bây giờ. Nắng nhiều cũng lo, mưa nhiều cũng lo.

More...

            Một cô bé mặc kệ trời nắng hay mưa. Cô bé đi trong mưa nắng với thân thể gầy gò nhưng đôi mắt rất sáng. Với nước da ngâm đen cùng nụ cười dễ mến, cô bé mời chào được nhiều khách hàng mua vé số. Sáng nào cũng vậy cô dậy sớm ra đại lý lấy vé số đi bán. Cô băng qua từng con phố đầy bụi, nắng, mưa và gió, nhưng cô vẫn đi. Thỉnh thoảng cô đứng lại ngắm nhìn bầu trời xanh, xem chú chim chuyền cành hay coi con chó quẫy đuôi mừng người thân vừa đi làm về. Đất trời ô nhiễm nên cô đeo khẩu trang. Khách hàng không còn cơ hội nhìn thấy cô cười, ngoài đôi mắt đen lay láy, vừa tha thiết, vừa cầu khẩn, “Chú mua giùm con vài tấm vé số ”, “Vé số chiều xổ đây chú mua cho con cái”, “Vé số đặc biệt, mua phát tài đi cô”… Lời rao của cô bé trong trẻo trong bữa trưa hè khô khóc, khi mệt cô không rao, cô chỉ mời nho nhỏ. Cô đi như thế từ ngày này qua ngày khác, phố phường đã quen với giọng nói của cô.

          Cô đi bán sự may rủi, giống cô bé bán diêm, bán ánh sáng cho đời. Người ta mua sự may rủi và nếu có người may mắn, họ sẽ trúng số, nhưng mấy ai nhớ người đem cái may đến cho họ đâu, họ dành thời gian lên kế hoạch chi tiêu nhiều hơn. Những ngày trời mưa tầm tả, đi lại khó khăn, cô vất vả bán từng tờ một, có khi phải chịu lỗ vì vé số bán không hết. Vậy mà cô vẫn không buồn, cô mong người mua phát tài phát lộc để cô có cơ hội bán được nhiều và nhanh hơn. Cô chưa bao giờ cầu nguyện cho mình. Cô chỉ cầu cho hạnh phúc và sự may mắn của người. Theo lẽ thường, người thích ôm đồm sự may mắn về mình. Cô không vậy, cô bán nó đi, chia sẻ nó với hàng vạn người. Niềm vui của người là niềm vui của cô. Cô thấy mình lại là người may mắn vì còn đủ sức khỏe để làm việc, đôi chân còn vững để đi, lá phổi còn tốt để rao. Cám ơn đời cho cô công việc đáng lẽ cô không phải làm, việc phải làm là đi học, là vui chơi với bạn bè cùng trang lứa. Sở dĩ cô cám ơn vì cô có việc làm, một việc làm đàng hoàng.

          Sinh ra trong một gia đình nghèo, ba mất sớm, má không đủ sức khỏe để làm việc nhiều, lại thêm mấy đứa em nhỏ vẫn đang tuổi ăn tuổi lớn, cô ra đời làm việc. Bóng dáng nhỏ bé của cô đi suốt con đường làm trôi lăn cả tuổi thơ. Lúc ba cô đi, ông nói, “Gia đình này giao lại cho con.” Cô thương ba nên cô hứa với ba cho ông được yên lòng. Tuổi thơ của cô đến sớm rồi trôi qua thật nhanh nhưng cô không hối tiếc, cô thấy mình may mắn vì có cả một gia đình để chăm sóc. Thà như vậy còn hơn. Cô vẫn còn có nơi để đi về. Mỗi tối đi bán về nhà, thấy mấy đứa em chơi đùa, ríu rít chạy ra chào đón cô, thấy má ngồi cặm cụi lặt rau bên cạnh bếp lửa nhóm vài ngụm than hồng, cô thấy cõi lòng ấm cúng, bao nhiêu mệt nhọc tan biến. Cô tắm rửa cho mấy đứa nhỏ, đứa nào cũng gầy còm vì thiếu ăn thiếu mặc. Sự xót xa của một người chị khiến cô không thể cầm nổi nước mắt. Dòng nước nóng hổi đi vào giếng nước trong, trôi ra biển cả, mặn chát như đại dương mênh mông.

            Khu miếu trên đường Đào Duy Từ, gần doanh trại quân đội, có thờ Phật Bà Quan Âm. Ngày nào đi ngang cô cũng dừng lại ngắm nhìn bức tượng. Gương mặt bà ấy phúc hậu và từ bi quá. Cô chắp tay cầu nguyện cho má sống lâu khỏe mạnh, cho mấy đứa em mau lớn hòa thuận, cho mấy người mua vé số gặp may mắn. Cô không cầu nguyện cho mình, đơn giản chỉ vì gia đình chính là nguồn hạnh phúc của cô. Hai năm sau, tượng Phật Bà Quan Âm không còn nữa. Nghe nói người ta dời bà về một ngôi chùa nào đó. Cái cổng đã được xây gạch kín mít. Mỗi ngày cô đều đi ngang qua nhìn lớp gạch vô hồn. Nhưng không sao, hình ảnh Phật Bà Quan Âm đã nằm sâu trong tâm trí cô. Cô cầu nguyện trong trái tim mình. Cô không hiểu hết ý nghĩa của hai tiếng Quan Âm, chỉ biết đó là hiện thân của tình thương, của sự mầu nhiệm, như bà tiên trong truyện cổ tích.

Phật Bà Quan Âm

            Rồi một ngày nọ, cô thấy một bà cụ đứng ở góc đường. Đứng bà chẳng muốn đứng mà đi bà cũng chẳng muốn đi. Đoán biết bà cụ sợ xe cộ không dám qua đường. Cô đến gần, “Bà ơi, bà muốn qua đường phải không, để con dẫn bà đi.” Bà cụ mỉm cười mừng rỡ, “Hay quá, cám ơn con. Xe cộ đông như kiến, không ai để ý đến bà già này.” Bà nắm chặt bàn tay nhỏ bé, ướt mồ hôi của cô và theo cô qua đường. Đến bên kia đường, bà cụ rối rít cảm ơn, “Để bà mua vé số giúp con nhé.” Cô vui vẻ chìa cọc vé số cho bà chọn. Bà cụ rút ra một tấm vé và trả mười nghìn đồng, xong rồi bỏ đi. Đi được một đoạn, bà quay lại, “Này cô bé bán vé số, bà cho con tấm vé số này, để dành chiều dò nhé, đừng có bán nó đi.” Bà cụ đưa tấm vé số cho cô, bước đi thật nhanh, không run rẩy sợ sệt như hồi nãy. Cô bỏ tấm vé số riêng ra, cho vào túi và tiếp tục công việc của mình. Vài con chim bồ câu vỗ cánh bay vụt qua, lông nó trắng muốt, đôi mắt đen lay láy nhìn người qua kẻ lại. Cô đi lẫn vào trong dòng người, tiếng rao mời của cô thánh thót giữa trưa hè nóng nực. Đàn bồ câu chưa bay về tổ, chúng vẫn còn muốn rong chơi.

            Hôm đó cô bán hết vé số rất nhanh nên trở về để nhận tiếp đợt mới cho ngày mai. Chiều đến, cô mệt lắm nhưng cô vẫn phụ má sửa soạn bữa cơm cho mấy đứa em. Mặt trời đã đi qua thành phố làm hồng cả một vùng. Cô sực nhớ mình có tờ vé số chưa dò. Cô với tay lấy chiếc túi trên đầu giường ọp ẹp. Chiếc túi sờn hết một bên nhưng nó đi theo cô qua những đoạn đường dài. Nhiều khi con người có tình cảm với đồ vật và biết ơn chúng, biết ơn cả những người làm ra và các yếu tố tạo nên chúng. Cuốn sổ dò số được mở ra, mắt cô lần theo những con số và đôi tay ướt đẫm trở nên run rẩy, cơ thể cô nóng dần, đôi mắt nhòa đi và người căng như tên bắn. Con số nằm hàng giải đặc biệt hoàn toàn không xa lạ với con số trên tờ vé. Cô bé reo mừng nói với má, bà ôm chầm cô vào lòng, mấy đứa nhỏ không biết gì cũng nhảy cẫng hò reo. Vậy là cô có thể chăm sóc má tốt hơn, mua quần áo mới cho mấy đứa em và dĩ nhiên cô vẫn nhớ mùi trang giấy tập thơm hay mùi bút bi mỗi lần viết chữ.

        Người ta thường nói ở hiền thì gặp lành và câu chuyện của cô bé bán vé số minh chứng cho điều đó. Dù người đời có nhiều toan tính, cuộc sống có những cạm bẫy và lòng người đổi thay, mình chỉ biết sống hiền lành mà thôi. Sống dễ thương trong từng giây phút, thì cuộc đời sẽ phản chiếu trở lại bằng những giây phút dễ thương như vậy, thậm chí gấp trăm ngàn lần. Sống cần có cái đức. Người ta nói tu nhân tích đức, nhưng không phải đợi về già, đợi lúc về hưu, mà ngay từ lúc ấu thơ, như cô bé bán vé số kia. Bảo vệ trẻ em, giúp đỡ người già neo đơn, chia sẻ trong khả năng có thể, mình giúp người hoài không hết. Cuộc sống có thể kéo dài mười năm, hai mươi năm hay trăm năm và không cần làm gì nhiều, chỉ cần ở hiền là đủ. Hiền không có nghĩa là nhu nhược mà hiền thể hiện ở cách suy nghĩ, cách hành xử, cách đối đãi, cách yêu thương mang lại sự an toàn cho mình, cho người, không những thế, còn xây đắp thêm tình thương. Cái nghèo không thể làm cho mình biến chất và cái giàu cũng thế. Dù giàu hay nghèo, nhiệm vụ của mình là chỉ biết yêu thương thôi.

Leave a comment: