Kinh Bát Dương – Thần Chú Bát Dương

Trong đời sống hàng ngày khi chúng ta gặp khó khăn, nguy hiểm, bệnh tật... chúng ta thường niệm Bồ Tát Quán Thế Âm hay Chú Đại Bi để cầu mong được tai qua nạn khỏi, điều cầu nguyện được linh hiển. Ngoài ra chúng ta cũng có thể tụng niệm Kinh Bát Dương và Thần chú Bát Dương khi làm việc quan trọng muốn cầu được thành tựu.

Quý vị có thể tụng kinh và đọc thần chú vào giờ tu tập công phu hàng ngày hoặc tụng câu thần chú: A ÐÀ NI, A DÀ NI, A TỲ LA, MẠNG LUỆ MẠNG ÐÀ LUỆ XÀ LÊ THẾ TÔN nhiều lần vào lúc cấp bách.

More...

KINH BÁT DƯƠNG


PHẨM THỨ NHẤT

TRONG PHÁP HỘI THÀNH TỰU

  • 1
    Ta nghe như vầy: Lúc bấy giờ Phật ở tại thành Tỳ-Gia Ly-Ðạt-Mạ, khai hội thuyết pháp.  Có tịnh tín nam nữ, mười phương đàn-việt đều tụ hội nghe pháp, bốn chúng đều vây quanh đầy đủ.

PHẨM THỨ NHÌ

KHAI BÀY CHÁNH KIẾN

  • 2
    Khi ấy ông Vô-Ngại Bồ Tát ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chắp tay trước Phật mà bạch như vầy:

“Ngưỡng bạch đức Thế Tôn, chúng sinh ở trong cõi Nam-Diêm Phù-Ðề nầy, thay đổi sinh sản nhau, từ đời vô-thỉ đến nay, tiếp nối hoài không dứt, nhưng mà trong nhân loại ấy, xem lại cho kỹ, thì hạng người có học ít quá, còn người vô tri thì nhiều, người tu hành niệm-Phật thì ít, hạng mê-tín cầu lạy tà-thần giả quỷ thì nhiều; người tu niệm trì trai giữ giới thì ít, chúng lợi dưỡng phá giới huỷ luật thì nhiều; bậc tinh-tấn tu hành thì ít, người biếng nhác dãi đãi thì nhiều; bậc thông minh trí tuệ thì ít, đứa ngu si độn trược thì nhiều; kẻ trường thọ trăm năm thì ít, chúng đoản mạng yểu vong thì nhiều; người tĩnh tâm thiền-định thì ít, kẻ tán loạn náo động thì nhiều; phần giàu sang no ấm thì ít, chúng nghèo đói khốn khổ thì nhiều; người dịu dàng thanh nhã thì ít, chúng cang cường hung tợn thì nhiều; người chơn chính ngay thẳng thì ít, bọn hồ đồ dua-vạy thì nhiều; người tịnh-hạnh thanh bạch thì ít, chúng tham-lam ô-trọc thì nhiều; người có tâm quảng đại bố thí thì ít, chúng gian-xảo keo-rít thì nhiều; người chí tín thành thật thì ít, kẻ dối-trá quỷ-quyệt thì nhiều.

Bởi vậy, nên khiến cuộc đời gay-gắt, đồng bào ruột thịt nỡ lòng tàn hại lẫn nhau, thêm phép quan quyền khắc khổ sưu cao thuế nặng, bá tánh chịu bề nghèo đói, thời kỳ khủng bách, công làm đổ mồ hôi chỉ đủ nuôi miệng ăn, có dư đâu mà bảo tồn con vợ ?

Nguyên do vì đâu? Vì tâm tà vậy, tin theo việc hoang-đàng, sở kiến ngược ngạo, nên nhân loại phải bị cái khổ-nguy dường ấy. “Cúi xin Ðức Thế Tôn, vì lòng từ bi thương xót kẻ tà kiến, diễn nói các pháp chánh-kiến cho chúng nghe, khiến được tỏ ngộ, phản tà quy chánh, mà thoát khỏi các nạn khổ kia vậy”.

  • 3
    Phật khen nói: “Người luận nói như vậy hay lắm”.

“Này ông Vô Ngại Bồ Tát! Ngươi có tâm từ-bi thương đời lớn lắm, nay ngươi muốn giúp các người tà-kiến kia mà cầu hỏi ta về pháp chánh-kiến, thật là phước đức ngươi to tát biết bao. Ngươi nay phải định thần nghe rõ ghi nhớ vào lòng, ta nay thương giúp ngươi mà phân tỏ, diễn nói kinh Thiên-Ðịa Bát-Dương này. Kinh này không phải một mình ta mới nói thôi, chẳng những đời quá khứ các Ðức Phật đã nói rồi, và đời vị lai chư Phật sẽ nói, mà đời hiện tại nay chư Phật cũng đang nói nữa. Luận như trong trời đất đây, những hình tướng vạn hữu, thì duy có con người là tối linh trên muôn vật, luận chữ Nhân là Chân, là làm con người phải có Chân tâm, không tưởng quấy, thân này thi hành mỗi việc đều chánh-trực. Cho nên chiết tự chữ Nhân đó coi, thì chữ Phúc bên trái gọi là Chân, còn chữ Vệ bên phải kêu là Chánh, mình thường làm việc Chánh-Chân nên kêu là chữ Nhân.

Cho nên có câu: “Vi Nhân mạt thuyết thành Chân dị” nghĩa là: “Ở đời đừng nói làm được con người là dễ, làm sao cho tư-cách mình nó phù hợp với nghĩa lý chữ Nhân nầy mới được”. Phải biết, người kia muốn dựng nên mối Ðạo, thì trước phải dùng Chánh-Ðạo mà sửa mình y theo Chánh-Ðạo, y theo nhân-luân thì đều nên quả Phật”.

  • 4
    Phật lại gọi ông Vô-Ngại Bồ-Tát nói: “Chân thân khó được mà nay hết thảy mọi người đời đã được Chân thân rồi, tại sao lại không tu đường phước thiện, lại bỏ việc Chánh-Chân đi làm điều giả dối, gây toàn là ác-nghiệp đến khi thân mạng chết rồi, thần-hồn sa đọa trong biển khổ, chịu đau đớn trăm bề. Bằng hết thảy người đời, được nghe kinh nầy, sinh tâm kính tín không trái nghịch, thì được thoát khỏi nạn hết tội khổ, đặng ra khỏi biển khổ, có các vị Thiện-Thần thầm giúp, không việc chi ngăn trở, lại đặng trường thọ, không bao giờ chết yểu.

Vì sao được vậy? Là do nơi sức Chánh-Tín mới được phước như vậy, nếu ai biên chép thọ trì đọc tụng, y theo Chánh-pháp mà tu hành, thì công-đức của người đó vô-lượng vô-biên không tính kể xiết, đến ngày lâm chung, người ấy chắc chứng đặng quả Phật”.

  • 5
    Phật gọi: “Này ông Vô-Ngại Ðại Bồ-Tát ! Bằng có người nào tà-tính, kiến thức ngược ngạo tức phải bị nạn, tà ma ngoại đạo, quỷ ly mị, quỷ vọng lượng, chim mèo chim ụt, chim cú chim heo, kêu trăm điều dữ lạ, thêm loài ác quỷ ác thần, đến làm náo loạn trong nhà, vợ chồng tắng-đắng nhau, cha con xào-xáo, hoặc sinh các bịnh phi thường, chịu đủ hết các chứng bịnh khổ, không ngày nào giảm bớt. Bằng người ấy, muốn cho hết tai nạn vừa nói đó, thì thỉnh ông thầy chơn tu, giúp tụng kinh nầy ba biến, thì các vị quỷ thần độc ác, đều  tiêu diệt hết, các bịnh dữ cũng tiêu trừ, thân thể được lành mạnh, phục sức như xưa, ấy là nhờ công đức đọc tụng kinh Bát-Dương này, mà chuyển họa thành phước như vậy.

Phàm có người nào ưa muốn dâm dục, sâu độc ngu si, gian tham tật đố, nhưng khi được nghe thấy kinh nầy, mà phát tâm chánh tín cúng dường, nguyện tụng kinh nầy ba biến, thì các việc dữ kể trước thảy đều tiêu diệt, phát tâm từ bi hỷ xả, sau đặng quả Phật”.

  • 6
    Phật gọi ông Vô-Ngại nói: “Phàm có người Thiện nam, Tín nữ nào muốn làm việc hữu-vi, trước phải tụng kinh nầy ba biến, rồi sau mới đắp nền xây tường dựng làm nhà cửa, hoặc làm nam đường bắc đường, đông lang tây lang, nhà bếp nhà khách, cửa ngõ, đào giếng, cối giã cối xay, kho tàng, chuồng trại, nuôi đồ lục súc v.v… hoặc rủi nhằm phương nhật du, phương nguyệt sát, tướng quân Thái-tuế, cùng sao Huỳnh-phan, sao Bát-dĩ, ngũ-thổ địa kỳ, Thanh-long bạch-hổ, hoặc nhằm phương Chu-tước Huyền-võ, Lục-giáp cấm kỵ mười hai chi, mười can, xâm phạm phương thổ quỷ thần phục long, tất cả loài quỷ mỵ, vì trước khi mình làm các việc hữu-vi, thì mình đâu có hiểu phương hướng và sao trạm mà lựa chọn, chỉ cứ tụng kinh Bát-Dương nầy. Nhờ oai thần của Phật hộ trì tất cả quỷ-mỵ thảy đều ẩn mất, tránh xa đi bốn phương, hình tiêu bóng mất, chẳng dám làm hại tới mình, việc được tốt lành phước báu vô-lượng.

Nay người Thiện-nam Tín-nữ, ai y theo lời Phật dạy tụng kinh Bát-Dương nầy, khi khởi công làm rồi, hoặc nhà cửa lâu đài, thì gia đạo được bình an lâu dài, thêm giàu sang vinh hiển chẳng nhọc sức mưu cầu, mà tự nhiên có của tới.

Như có người nào đi phương xa, hoặc làm quan đi phó nhậm, hoặc tùng trong quân thứ, mà tụng kinh Bát-Dương nầy thì đều được lợi lành, nhà cửa được hưng thạnh, bậc người cao sang, con cháu vinh hiển, cha lành con thảo, trai trung bình chánh trực, gái trinh liệt hiền lương, anh em hòa thuận, phu xướng phụ tùy, gia đình hòa-hảo, lòng tín nghĩa thờ đôi thân, chỗ nguyện chi đều được thành tựu cả, ấy là nhờ oai-lực tụng kinh Bát-Dương này vậy.

Phàm có người nào, bị quan quyền bắt buộc, hoặc án trộm cướp liên luỵ tới mình, khi ấy tĩnh tâm tụng kinh Bát-Dương nầy ba biến liền đặng thoát khỏi tai nạn kia.

Phàm có người Thiện-nam Tín-nữ thường thọ trì đọc tụng, giúp người biên chép kinh Bát-Dương nầy, thì người ấy dẫu rủi sa trong nước lửa, cũng nhờ oai lực Phật, khỏi bị cháy chìm, bằng ở trong núi rừng có nhiều hùm sói thú dữ, mà nó thấy người thọ trì kinh Bát-Dương nầy thì độc trùng ác-thú, thảy đều lánh xa không bao giờ dám giết hại mạng, là vì người tụng kinh này có vị thiên thần theo hộ vệ, chẳng những vậy thôi mà sau lại còn chứng đặng quả Phật.

Hoặc có người nào, cuống lưỡi bén, nói dối, thêu dệt lời nói, nói lưỡi hai chì, nói lời thô ác, mà người ấy tự biết lỗi chừa bỏ cứ đọc tụng kinh nầy thì tiêu hết bốn lỗi trước, lại đặng biện-tài tứ vô-ngại, sau đặng chứng quả vị Phật.

Này hết thảy thiện nam tín nữ! Phàm cha mẹ có tội, đến ngày lâm chung, chắc phải đọa vào nơi Âm-cảnh, chịu khổ trăm phần nếu được trên thế gian con cháu thành tâm, tụng kinh này bảy biến, thì cha mẹ thoát khỏi khổ địa-ngục, thần-hồn đặng sanh về thiên-thượng, đặng thấy Phật nghe pháp, lại đặng lực vô sanh pháp nhẫn, đặng trọn nên Phật đạo”.

  • 7
    Phật kêu ông Vô-Ngại nói: “Kiếp quá khứ Ðức Phật Tỳ-Bà-Thi trị đời, vì thuở ấy có thiện-nam tín-nữ, tâm không tin bọn tà sư ngoại đạo, duy có lòng chánh tín kính trọng Phật pháp, ra công biên chép kinh Bát-Dương nầy, và thường thọ trì đọc tụng kinh nầy, muốn làm việc chi cứ nhất định làm, tất cả việc không cần bói toán xem coi ngày giờ chi cả, cứ lấy tâm chánh trực mà thôi, do thiện-nam tín-nữ thời ấy có tâm chánh tín, cùng làm việc bố thí, giữ tâm bình đẳng cúng dường, nên mới được thân vô-lậu, thành đạo quả Bồ-Tát, hiệu là: Phổ-Quang Như-Lai, sau đặng thành bậc Chánh-Giác, kiếp đó gọi là kiếp Ðại-Mãn, quốc hiệu là Vô-Biên. Mà do vì sao mới được vậy? Là vì nhân dân thời ấy có tâm chánh tín, không còn mê tín Tà-Sư ngoại-đạo, cứ tu hành theo đạo Bồ-Tát là: Bố-thí, trì-giới, nhẫn-nhục, tinh-tấn, thiền-định, và trí-tuệ mới được hưởng các sự phước báu như vậy, là nhờ oai lực chánh-tín tụng kinh Bát-Dương nầy”.
  • 8
    Phật lại gọi ông Vô-Ngại bồ tát mà nói: “Kinh Bát-Dương nầy, nếu trong cõi Nam-Diêm Phù-Ðề chỗ nào có để kinh Bát-Dương thì đều có năm vị Bồ-tát, và các vị Phạm Thiên-Vương, cùng hết thảy vạn linh đồng vây xung quanh ủng hộ kinh ấy, cho nên người tụng kinh nầy, phải sắm sửa hương hoa cúng dường như chư Phật còn tại thế không khác nhau vậy”.
  • 9
    Phật kêu ông Vô-Ngại nói: “Bằng có thiện-nam tín nữ nào, trợ giúp người đời diễn nói kinh nầy, mình cùng người cho rõ thấu cái lý thiệt tướng, thông ngộ chỗ thậm-thâm huyền-diệu ấy, thời liền biết được nguyên lý của Tâm-mình, Tâm-Phật, Tâm-pháp, sở dĩ mình hiểu biết được vậy rồi, thì tự nhiên mình được tánh trí-huệ, lại được sáu căn thanh tịnh.  Sáu căn thanh tịnh là:

9.1.  Mắt thường thấy các vật sắc-chất mỗi loại số nhiều vô cùng, nhưng mà ngoài mắt vừa thấy, thì thần trí-huệ ở trong đã phân biệt được rằng: các sắc chất ấy nó thuộc về chỗ không mà ra, cái không kia nó thành ra vật sắc này, hiểu nổi cái sắc đây, thì đủ biết cả ngũ-uẩn, cái thọ, cái tưởng, cái hành, cái thức, cũng thuộc về lý không, tức thị là đức Diệu-Sắc-Thân Như-Lai.

9.2.  Tai thường nghe các tiếng nói, mỗi thứ tiếng nhiều vô cùng, nhưng lỗ tai vừa nghe, thì trí-huệ đã phân biệt được, những tiếng ấy đều thuộc về chỗ không, mà cái không nầy cũng là tiếng nói, tức là đức Diệu-Âm-Thinh Như-Lai.

9.3.  Mũi thường ngửi các mùi trầm hương, mỗi mùi hương nhiều vô cùng, nhưng lỗ mũi vừa bắt mùi, thì trí-huệ đã phân biệt được các mùi hương ấy, thuộc về chỗ không, mà cái không nầy hóa ra trầm hương, ấy thiệt đức Hương-Tích Như-Lai.

9.4.  Lưỡi thường nếm các mùi trong đời, cay đắng chua ngọt v.v… nhiều vô cùng, nhưng cuống lưỡi vừa nếm, thì trí-huệ đã phân biệt được những mùi ấy đều thuộc về không, vì cái không tức thị là mùi đời, ấy thiệt đức Pháp-Hỉ Như-Lai.

9.5.  Thân thường biết các vật chi nó xúc-chạm, mà vật xúc-chạm nhiều vô cùng, và khi ngoài thân vừa xúc- chạm, thì trí-huệ đã phân biệt được các vật xúc-chạm ấy thuộc về chỗ không, mà cái không nầy toàn là xúc-chạm, ấy là đức Trí-Thắng Như-Lai.

9.6.  Ý con người thường tư-tưởng phân-biệt mỗi việc không cùng, bởi vậy nhờ có thêm trí-huệ, cho nên phân biệt được muôn pháp chi cũng đều thuộc về chỗ không, vì trong cái không đó, nó có hiện bày ra muôn pháp, tức là đức Pháp-Minh Như-Lai”.

Phật bảo: “Này ông Vô-Ngại Bồ Tát! Phàm có thiện-nam tín-nữ nào, thấy sáu căn này bày hiện nhơn gian đó, nơi miệng mình nói lời lành chánh thì nghiệp lành thêm nhiều, lại đặng nên Phật đạo. Miệng nói ra tiếng tà-vạy thì việc ác mỗi ngày thêm nhiều, ắt phải đọa địa-ngục, cam chịu quả báo đau khổ”.

Phật bảo: “Nầy ông Vô-Ngại! Trong chơn lý việc lành việc dữ, rõ ràng chắc chắn vậy, chẳng nên không tin, ngươi phải hiểu, thân tâm mình thiệt là pháp-khí của Phật, lại cũng như mười hai bộ Ðại-Tạng Kinh, đã có từ đời vô-thỉ đến nay, mà tụng hoài vẫn không hết. Kinh tạng của Như-Lai đây, duy có bậc thức-tâm kiến- tánh, mới biết đặng mà thôi, chớ các bực Thanh-văn phàm phu, làm sao hiểu thấu đặng?”.

  • 10
    Phật kêu ông Vô-Ngại nói nữa rằng: “Bằng có người nào đọc tụng kinh nầy, mà tỏ ngộ chỗ thật-tướng thì biết đặng thân tâm nầy, hẳn thiệt là pháp-khí của Phật. Còn như người nào say-mê đường dục-lạc, không tỉnh giấc mộng hồn, chẳng biết thân tâm mình là căn bổn của Phật-pháp, chắc người đó phải trôi nổi trong sáu-nẻo, đọa lạc trong ba-đường dữ, đắm chìm nơi biển khổ, không nghe đặng danh hiệu Phật-pháp”.

Lúc bấy giờ, có năm trăm vị Thiên-tử, ở trong đại chúng nghe Phật thuyết pháp rồi, đều đặng thanh tịnh nơi pháp-nhãn, rất đỗi vui mừng, liền phát tâm thành Phật.

PHẨM THỨ BA

VẤN ÐỀ CHÁNH ÐẠO, SINH TỬ, TẪN TÁNG

  • 11
    Ông Vô-Ngại Bồ-Tát lại bạch Phật rằng: “Ngưỡng bạch Ðức Thế-Tôn!  Vả lại, hết thảy người đời, việc sinh tử là hệ trọng, cớ sao khi sinh chẳng lựa ngày, hễ đến giờ sinh thì sinh ra, đến khi chết cũng không lựa ngày, hễ đến giờ chết thì chết ngay, còn cái việc tẫn-liệm an táng nầy lại lựa kiếm ngày lành, giờ tốt mới tẫn liệm an táng đặng sau con cháu giàu sang vinh hiển, thật là si-mê. Mà trái lại sau khi liệm chôn rồi, chẳng thấy lành tốt chi cả, chỉ thấy có họa hại tới hoài, con cháu thì bần cùng khốn khổ, đó là phần nhiều, còn việc giàu sang thì ít thấy. Ngưỡng cầu Ðức Thế-Tôn mở lượng từ-bi, thương người tà-kiến vô tri, xin Phật thuyết chánh-pháp nhơn-duyên sanh-tử là do đâu mà có, để cho người đời tỉnh ngộ trở về chánh đạo, không còn làm việc si-mê ngược ngạo như trước nữa”.
  • 12
    Phật nói: “Lành thay! Hay thay ! Ngươi nay vì có lòng thương những người mê muội, nên ân-cần chí thiết, cầu hỏi ta về việc sinh tử, cùng với pháp tẫn-liệm an-táng, vậy ngươi và cả thảy trong đại-hội này hãy trụ thần lắng nghe, ta nay vì ngươi giảng thuyết cái lý trí-tuệ, và chánh pháp đại-đạo vậy. Luận cái thể trời đất rộng lớn, còn mặt trời mặt trăng vẫn tỏ sáng hoài, thì năm tháng ngày giờ đều tốt cả, thiệt không có ngày nào khác lạ, ngày nào cũng tốt”.

Phật nói: “Thế gian bày ra có lịch số tính toán, là từ trước kia, bỡi ông Nhân-Vương Bồ-Tát, có tâm từ bi quảng đại, thương xót người đời, cũng như cha-mẹ thương xót con thơ, mới giáng sinh xuống trần làm vị nhân chúa, làm cha mẹ nhân dân. Từ đó mới thuận theo tánh của người đời mà dạy bày phong tục, làm ra lịch số, coi ngày coi giờ, coi niên vãng vận hạn địa lý, ban truyền trong thiên hạ, cho biết bốn-mùa tám-tiết mà dùng, biên ra có chữ trực bình, trực mãn, trực thành, trực thâu, trực khai, trực trừ, có văn chấp, nguy, phá, sát.

Ðó là xét chơn-lý mà dùng, những người ám độn kia, lại mê chấp y theo văn-tự đó mà tin dùng, ắt không khỏi bị việc hung-họa. Chẳng những vậy thôi, lại còn rước bọn tà-sư về nhà an-phù trấn trạch, nói luận lăng-xăng, lên đồng nhập cốt, cầu khẩn tà-thần, bái xá cúng lạy loài ngạ-quỷ. Làm  như thế thì gây thêm đường tội lỗi, sự lo phiền khổ não lại tự mình chịu.

Những người như vậy, chẳng những gây họa lụy cho mình, lại còn mắc tội phản nghịch chánh lý của thiên-địa. Vả lại người đời chẳng chịu làm lành tu phước y theo chánh-giáo sửa mình, lại đi rước thầy ếm đối, cúng tế tà thần v.v… mà cầu cho mình tiêu tai khỏi họa ấy. Thí như bỏ ánh sáng của nhật nguyệt mà chun vào chỗ tối tăm, trái bỏ đường chính đạo, lại đi lầm đường tà giáo, những hạng người đó, rất đỗi là ngược ngạo”.

  • 13
    Phật gọi ông Vô-Ngại mà nói: “Hoặc có thiện-nam tín-nữ, đến ngày gần sinh sản, dạy họ trước nên tụng kinh Bát-Dương nầy ba biến, thì sinh con được mau dễ, thiệt là đại kiết lợi, đứa trẻ đặng khiếu thông minh trí-huệ, phước đức đầy đủ, khỏi lo có nạn thương vong yểu-tử. Còn trong lúc gần chết, cũng phải đọc kinh Bát-Dương nầy ba biến, thì được chết một cách an-lành, thần hồn thảnh thơi tất cả  không việc chi trở hại”.
  • 14
    Phật lại kêu ông Vô-Ngại mà nói: “Ngày ngày đều tốt, tháng nào cũng vậy, mỗi năm cũng không xấu, còn năm tháng ngày giờ nào chẳng tốt đâu, bởi vậy hễ sắm lo việc tẩn liệm an táng rồi, thì cứ tẩn liệm an táng ngay, không cần coi ngày giờ nữa, mà trước ngày giờ tẩn liệm an táng đó, phải tụng kinh Bát-Dương nầy bảy biến thiệt rất đại kiết lợi. Chẳng những linh-hồn đặng phước vô lượng mà con cháu môn-nhơn cũng đặng giàu sang sống lâu thêm tuổi nữa, đến ngày mạng chung đều nên đạo Phật”.
  • 15
    Phật kêu ông Vô-Ngại nói: “Như chỗ đất mai táng đó chẳng cần phân Ðông Tây Nam Bắc làm gì, xem cuộc đất an ổn thì đặng, người bằng lòng hỷ-lạc, thì quỷ thần cũng ưng thuận hỷ-lạc, nhưng phải đọc kinh nầy ba biến, rồi sẽ mai táng, an trí mộ phần, không có tai chướng họa hại chi cả, mà gia đình lại đặng giàu sang no- ấm, thật là đại kiết-lợi vậy”.
  • 16
    Khi đó đức Thế-Tôn, muốn lặp lại nghĩa trên bèn nói kệ rằng:
Muốn làm việc chi cứ làm.

Vì mỗi ngày đều tốt cả. 


Còn việc tẩn-liệm an-táng.

Ngày giờ nào cũng tốt vậy.

Khi sinh ra cùng khi chết.

Các việc phải tụng kinh Bát Dương.

Thì đều đặng đại kiết lợi .

Là vì mỗi tháng đều rất tốt.

Mỗi năm cũng là đại hảo thời.

Cho nên ai chí thành chánh-tín.

Ðọc kinh rồi tẩn liệm an-táng.

Thì phước thọ vinh-hoa muôn đời.

Phật nói đến đây, trong đại chúng có bảy ngàn muôn người, khi nghe Phật nói chánh-pháp rồi, thì lòng dạ mở thông sáng suốt, xả tà qui chánh, y đúng theo Phật-pháp mà đoạn trừ lòng nghi hoặc, đều phát tâm cầu làm Phật.

PHẨM THỨ TƯ

THẾ-ÐỀ CƯỚI-GẢ

  • 17
    Lúc bấy giờ ông Vô-Ngại Bồ-Tát bạch với Phật rằng: “Ngưỡng bạch đức Thế-Tôn, hết thảy người đời, dùng việc cưới gả làm nghĩa chí thân, nhưng trước lại cần hỏi ngày sinh tháng đẻ, hạp cùng không hạp, sau xem lựa ngày tốt giờ tốt, rồi mới cưới gả, khi cưới gả xong hai đàng đã thành nghĩa chí thân rồi, cớ sao giàu sang sống lâu phần ít, còn nghèo khổ sinh ly tử-biệt số nhiều.  Hết thảy bọn tà tín bói toán lựa chọn đó, sao kết cuộc nó có sai khác vậy?  Ngưỡng cầu đức Thế-Tôn, xin dạy rõ chỗ đó, đặng dứt lòng nghi cho con và người đời”.
  • 18
    Phật nói: “Ta vì ngươi và cả thảy người đời mà nói, hãy định thần nghe cho rõ. Luật trong trời đất, về âm dương, nó tương đối với nhau, chớ không phải tuyệt đối, như mặt Nhật thuộc về khí dương, mặt Nguyệt thuộc về khí âm. Thủy thuộc âm, Hỏa thuộc dương, nam nữ, âm-dương ấy là cái khí trời đất hòa hiệp, cho nên hết thảy cỏ cây muôn vật, nương theo khí âm-dương đó mà hóa sinh vậy. Thể mặt Nhật mặt Nguyệt xây vần bốn mùa tám tiết không sai, khí thủy-hỏa nương nhau tạo nên muôn vật, con trai và con gái hòa hợp nhau mới có sinh sản ra con cháu. Tất cả việc ấy, đều thiệt là đạo lý thường của trời đất, là lý tự nhiên, cũng là cái pháp thế đề vậy.
  • 19
    Này ông Vô-Ngại ! Ta thương hại cho người không học thức nên rất si-mê, chẳng phân biệt tà-chánh, lầm tin theo thầy tà, bày đặt bói toán kiết hung, mong cầu giàu sang sống lâu, mà không chịu làm lành tu phước, chỉ mãi gây ra trăm nghìn nghiệp dữ, chẳng những thân sống đây bị tai họa liên miên, sau khi thác rồi khó khỏi tam-đồ khổ não. Bởi vậy nên thân mạng nầy chết rồi, số được lại thân người rất ít, ít như đất đọng đầu móng tay, còn số đọa trong địa ngục làm loài súc sanh ngạ quỷ lại nhiều lắm, nhiều như đám đất lớn.

Này ông Vô-Ngại ! Mà số người được lại thân người kia, những người phát tâm chánh tín tu hành thì ít quá, như đất đọng đầu móng tay, còn cái hạng tin theo tà sư gây tạo ác-nghiệp thì nhiều lắm, nhiều như đám đất lớn.

Này ông Vô-Ngại ! Nay ta dạy cho rõ, như người đời muốn kết nghĩa hôn-nhân ấy, chẳng cần hỏi mạng thủy-hỏa khắc cùng không khắc, vì khi còn trong bào thai, cùng niên mạng chẳng đồng nhau, chỉ phải coi trong bộ sách Lộc-Mạng thời biết việc phước đức nhiều hay ít, lấy đó mà kết làm quyến thuộc, song đến ngày cưới gả, phải tụng kinh Bát-Dương nầy ba biến, thời đặng tốt lành thành tựu các việc. Cho nên mình biết tu phước lành, thì ông thiện-thần theo bảo hộ duyên lành tỏ sáng nương nhờ cùng nhau. Bởi thế nên được giàu sang, con cháu rỡ ràng hưng thịnh, thêm thông minh trí huệ, lại có tài năng siêu quần, xuất chúng, cư xử gia đình thảo-thuận kính nhường, thiệt là đại kiết lợi không có nạn thương vong yểu tử, phước đức đều đầy đủ, sau lại nên Phật đạo”.

Khi ấy có tám vị Bồ-tát, nương nhờ oai thần đức Phật, chứng đặng pháp đại-tổng-trì phát nguyện thường ở trong thế gian, hòa quang đồng trần với người thế tục đem hết tinh thần năng lực, mà phá diệt đám tà-giáo, dựng lập nền chánh-pháp như xưa, tiếp độ cả bốn loài trọn nên tám pháp giải-thoát. Danh hiệu tám vị Bồ tát biên ra sau đây:

  • 1
    Bạc-Ðà Bà-La Bồ-tát lậu tận hòa
  • 2
    La-Lân-Na-kiệt Bồ-tát lậu tận hòa
  • 3
    Kiều-Việt-Ðẩu Bồ-tát lậu tận hòa
  • 4
    ​Na-La-Diên Bồ-tát lậu tận hòa
  • 5
    Tu Di Thâm Bồ-tát lậu tận hòa
  • 6
    Nhơn Kỳ Ðạt Bồ-tát lậu tận hòa
  • 7
    Hòa Luân Ðiều Bồ-tát lậu tận hòa
  • 8
    Vô Duyên Quang Bồ-tát lậu tận hòa
    • 20
      Lúc đó tám vị Bồ-tát ấy, đều bạch Phât rằng: “Ngưỡng bạch đức Thế-Tôn, chúng con nhơn trước nhờ chư Phật truyền dạy, pháp thần chú đà-la-ni này, nay chúng con nguyện nói thần chú ấy ra, để ủng hộ những người thọ trì đọc tụng kinh Bát-Dương này, không có chi lo sợ, khiến cho hết thảy mọi người và sự bất thiện, chẳng dám làm việc tổn hại vị nào đọc tụng kinh Bát-Dương này”.

    Khi ấy tám vị Bồ-tát đồng ra trước Phật, tụng thần chú nầy:

    A ÐÀ NI, A DÀ NI, A TỲ LA,

    MẠNG LUỆ MẠNG ÐÀ LUỆ XÀ LÊ THẾ TÔN (21 biến)

    “Ngưỡng bạch đức Thế-Tôn, phàm có chúng bất-thiện
    nào, muốn đến làm việc não loạn vị nào tụng kinh Bát-Dương này, hễ nó nghe chúng con đọc tụng thần-chú nầy tức thì đầu chúng nó bể ra bảy phần như nhánh cây a-la-lê vậy”.

    PHẨM THỨ NĂM

    NÓI VỀ TÊN KINH BÁT-DƯƠNG

    • 21
      Lúc bấy giờ ông Vô-Biên-Thân Bồ-tát, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, quì gối chấp tay đến trước Phật bạch rằng: “Ngưỡng bạch đức Thế-Tôn, cớ sao kêu là kinh Bát-Dương, cầu xin đức Thế-tôn, giải nói rõ nghĩa Bát-Dương, cho mỗi người chúng con nghe biết, đặng tỉnh ngộ bổn-tâm thấu chỗ tri-kiến như Phật hầu đặng đoạn hết lòng nghi hoặc”.
    • 22
      Phật kêu Vô-Biên-Thân nói: “Lời người vừa hỏi đó thật hay lắm, chúng ngươi hãy lắng thần nghe cho rõ, nay ta giúp trong đại chúng, giải nghĩa đề mục kinh Bát-Dương nầy:

    Chữ Bát đó, nghĩa là: Phân biệt rành vậy.  Chữ Dương đó, nghĩa là: giải tỏ cái lý đại-thừa làm Phật và rõ đặng phân rành nhơn duyên tám-thức kia, nó không có chỗ nào đặng, không chỗ nào dính mắc cả.

    Phật nói tám cái thức đó nghĩa là bề ngang; chữ Dương Minh nghĩa là bề dọc; ngang dọc phù hiệp nhau, thành ra bộ kinh giáo, cho nên kêu là kinh Bát-Dương.

    Tám cái thức là:

    1.  Con mắt thấy biết các hình sắc tốt xấu.
    2. Lỗ tai nghe biết các tiếng nói lành dữ.
    3. Lỗ mũi ngửi biết mùi hơi thơm thúi.
    4. Cuống lưỡi biết nếm, mùi vị mặn lạt.
    5. Cái thân nầy biết cử động chạm xúc.
    6. Cái ý kia biết phân biệt hết thảy muôn việc.
    7. Cái thức hàm-tàng nầy chứa đủ các hạt giống không thiếu vật chi.
    1. Còn thức A-lại-da bao trùm hết thảy, như vậy đã phân biệt rành rẽ, cội gốc tám-thức không có chỗ nào có, thì đâu có dính mắc chi đâu.

    Phải biết hai con mắt vốn là thiện-quang-minh thiên, mà trong quang-minh thiên đó, lại hiện ra vị Thế-Tôn Nhật Nguyệt Quang Minh. Hai lỗ tai thiệt là thinh-văn thiên, mà trong thinh-văn thiên đó, lại hiện ra đức Vô-Lượng Thinh Như-Lai. Hai lỗ mũi thiệt là Phật hương-thiên, mà trong Phật hương-thiên đó, lại hiện ra Ðức Hương Tích Như-Lai. Cuống lưỡi thiệt là thiện-pháp vị-thiên, mà trong pháp-vị thiên đó hiện ra Ðức Pháp-Hỷ Như-Lai. Cái thân thiệt là Tỳ-lô giá-na thiên, mà trong Tỳ-lô giá na thiên đó, lại hiện ra đức Phật Thành-Tựu Tỳ-Lô Giá-Na. Người nào thấy biết tự tâm mình có đức kính tượng Phật, thì đó hiện ra đức Phật Tỳ-Lô Xá-Na quang minh.  Cái ý thiệt là vô phân-biệt thiên, mà trong vô-phân-biệt thiên đó, lại hiện ra đức Bất-Ðộng Như-Lai. Cái tâm đó thiệt là pháp-giới thiên, mà trong pháp-giới thiên, lại hiện ra đức Không-Vương Như-Lai.  Cái thức hàm-tàng thiệt là thức-thiên, chứa hết thảy các pháp, hay diễn nói ra kinh A-Hàm, và bộ Ðại Bát-Nhã Niết-Bàn kinh. Còn cái thức A-lại-da, cũng to lớn bao trùm cho nên diễn nói ra bộ Ðại-Trí Ðộ-Luận kinh, và bộ Lăng Già-Luận kinh vậy”.

    • 23
      Phật kêu ông Vô-Biên Thân bồ tát mà nói rằng: “Nầy ngươi phải hiểu, Phật đó là pháp mà pháp đó là Phật, hiệp lại làm một thể-tướng, liền hiện ra đức Ðại-Thông-trí-Thắng Như-Lai”.

    Trong khi Phật nói kinh Bát-Dương nầy, thì hết thảy sơn hà đại địa, sáu phương trời đất chấn động, lại có ánh sáng chói lòa trời đất, vô cùng vô tận, lồng-lộng mênh mông, không biết đâu mà kể cho xiết, mà hết thảy các chỗ tối tăm đều được tỏ sáng, hết thảy các chốn địa-ngục cũng đều tiêu mất, hết thảy chúng tội- nhơn đều đặng thoát khổ.

    Lúc bấy giờ trong đại chúng, kể số đặng tám-muôn tám ngàn vị Bồ-tát, đồng thời chứng quả Phật, đồng hiệu là Không-Vương Như-lai, mà cái kiếp của tám muôn tám ngàn vị Bồ-tát ấy chứng đặng quả Phật đó, tên là kiếp Ly-Cấu, vị Phật xuất hưng cứu thế đời đó, tên là đức Vô-Biên Phật, hết thảy nhơn dân trong kiếp đó đều đặng quả vị Bồ-tát.

    Vì đồng tu pháp lục-độ, quyết tu thời thành tựu không có lòng bỉ thử tật-đố, nên chứng đặng bực vô- tránh tam-muội. Còn thầy Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, cận sự nam, cận sự nữ đều đặng pháp tổng-trì và đặng thâm ngộ vào lý nhứt-thừa của Phật, có vô số trong hàng thiên-long, chúng dạ-xoa, thần càng-thát bà, thần A-tu-la, thần Ca-lầu-la, thần Khẩn-na-la, thần Ma-hầu-la-dà, nhân cùng với phi nhơn, hết thảy đều đặng chỗ pháp nhãn thanh-tịnh sáng suốt mà tu hành Bồ-tát đạo.

    PHẨM THỨ SÁU

    CHỨNG-NGỘ CHỖ MẦU-NHIỆM

    • 24
      Khi Phật nói kinh Bát-Dương nầy rồi, hết thảy trong đại chúng đồng khen pháp nầy xưa nay chưa từng nghe, nay đặng nghe những lời huyền diệu rồi, lòng dạ tỏ sáng, vui mừng hớn-hở, đều bày hiện sắc tướng chư Phật, mà chẳng phải tướng chư Phật, là vì còn chấp có tướng, nên chi thấu vào chỗ tri-kiến của Phật, tỏ ngộ chỗ tri-kiến của Phật rồi, mà cũng không chấp chỗ thấu vào, và không chấp chỗ tỏ ngộ đó, không nên chấp một pháp nào cả, như thế mới chứng đặng cái vui của cõi Niết-Bàn.
    • 25
      Khi ấy đức Thế-tôn muốn nói lại những lời mầu-nhiệm nên nói bài kệ như vầy:
    Thân tướng tốt sáu căn trọn đủ,

    Hết thảy các thiện-nam tín-nữ,

    Tâm vui-thích làm việc bố thí,

    Ðặng thân nầy không nên xan-tham

    Người phụ nữ nghe đặng kinh nầy,

    Phát tâm hớn hở rất vui mừng,

    Sau này thoát đặng thân phụ nữ,

    Sinh ra đặng làm thân nam tử,

    Các việc đao binh hại chẳng đặng,

    Ðộc trùng thú dữ hại không đặng,

    Quan quyền cùng các việc đạo tặc

    Muốn hại người đó cũng chẳng đặng,

    Người đời thấy yêu mến kính nhường,

    Trăm ngàn tai họa đều tiêu hết,

    Từ thủy chí chung hại chẳng đặng,

    Nam-nữ thảy phải tụng kinh này,

    Thì đặng phước báu như trước nói.

    PHẨM THỨ BẢY

    ÐỒNG PHỤNG-HÀNH THỦ-HỘ

    • 26
      Lúc bấy giờ, các vị Bồ-tát cùng với đức Di-Lặc Bồ-tát, lại có bốn vị Ðại Thiên-Vương đồng bạch Phật rằng: “Ngưỡng bạch Ðức Thế-Tôn !  Chúng con nương oai-thần của đức Thế-Tôn đồng nhau nguyện theo ủng hộ Kinh Bát-Dương Thần-Chú nầy, chúng con đồng gắng sức cứu giúp bảo hộ, ở đời như người nào có bịnh khổ chi, mà chí tâm đọc tụng kinh nầy, thì chúng con sẽ hộ trợ cho tiêu trừ các bịnh”.

    Khi các vị Bồ-tát, cùng ngài Xá-Lợi Phất và thầy Tỳ-Kheo, Tỳ-Kheo ni, Thiện-Nam Tín-Nữ với các hàng Thiên Long Quỷ Thần, chúng A-tu-la, Chuyển Luân Thánh-Vương, thảy đều đảnh lễ Phật, vui mừng tín thọ phụng hành theo Chánh-pháp của đức Phật dạy.

    • 27
      LỜI CÁC VỊ BỒ-TÁT KHEN PHẬT
    Kinh Bát-Dương thiệt là đạo chân chánh.


    Ba đời hàng chư Phật nói rất rõ ràng.

    Tám vị Bồ-tát cũng đều thầm giúp.

    Chư vị Thần-minh cùng nhau vây quanh.

    Ðời quá khứ tu phát huệ thành Phật.

    Hiện nay ai nghe nhớ mau tỏ ngộ.

    Phàm làm việc chi phải tụng kinh nầy.

    Người lành ấy nào có bị yểu vong.

    Ta nay khắp nguyện hết thảy các loài.

    Chỗ cầu nguyện chi đều đặng tròn đủ.

    Ðời vô-thủy đến nay bị vọng thức.

    Có thân này ra gian-nan khốn-khổ.

    Bốn đại và tham sân si lừng lẫy.

    Sáu căn, cùng thập truyền, thập sử buộc ràng.

    Ầm-ầm gió nghiệp thổi tấn bước tới.

    Non vô-minh dựng trước mặt lờ-mờ.

    Nhiễm mê dục-lạc hồn phải chơi-vơi.

    Lửa vô-căn tham-sân-si hừng cháy.

    Niệm nhớ ái-ân trong biển sinh-tử.

    Lai láng nổi-trôi giòng nước vọng tình.

    Như thế mà muốn giải thoát thì khó.

    Như rùa mù mong gặp bộng cây trôi.

    Như hạt cải gieo mũi kim khó trúng.

    Phật ở trong thân đâu phải Phật khác.

    Thánh-Hiền lập giáo chỉ sửa tâm người.

    Tín lạy Ðức Vô-Ngại Bồ-Tát.

    (Phật thuyết Thiên địa Bát dương Thần chú Kinh, Đường Tam Tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh phụng chiếu dịch, HT Thích Hải Tràng dịch âm, Cư sĩ Thanh Tâm dịch nghĩa.

    Bát Dương kinh, không phải do Phật thuyết, mà do các nhà Sư Trung Hoa biên soạn rồi tôn vinh Đức Phật, cho là Đức Phật thuyết giảng. TG Minh Thạnh đã lược bỏ phẩm thứ sáu không cần thiết.

    Kinh có tư tưởng bài trừ mê tín dị đoan, chủ trương làm lành, lánh dữ, tích phước, tu nhân khuyến tấn tụng niệm, là sự pha trộn giữa tư tưởng Phật giáo và các quan niệm về dịch lý, phong thủy, âm dương ngũ hành cùng với sự tin tưởng vào số mạng (HT Thích Giác Quang, 2014))

    Leave a comment: